Nghề giáo
Khoảng thời gian trước đây trong nghề dạy học, tôi từng là giáo viên của một trường cao trung nằm tại bờ Đông thành phố Vancouver. Những năm 90, khi tôi lần đầu được thuê giảng dạy thì một đồng nghiệp bảo với tôi rằng ngôi trường “ là một viên ngọc của cộng đồng ” và “ cơ quan giáo dục tốt nhất miền cực Đông mà bạn chưa từng nghe danh”. Cô ấy nói đúng thật. Tôi sinh trưởng ngay tại Vancouver đây mà chưa hề một lần nghe ai nhắc đến nó, nhưng dần dần qua thời gian nhiệm sở, tôi đã hiểu tại sao nơi này lại kín tiếng đến vậy. Ngôi trường tọa lạc gần một khu vực mà thành phố ưu ái đặt cho cái tên là The Drive, bắt nguồn bởi nền văn hóa đầy sôi động, ủng hộ công bằng xã hội cùng tính cách lập dị của cư dân. Với số lượng học sinh chỉ xấp xỉ một ngàn, lại nằm giữa một cộng đồng dân cư gắn bó khăng khít với nhau được “bao bọc” bởi những khu ngôi nhà gỗ cổ kính được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 , nó cứ thế nhẫn nại, cần cù xây dựng nên lịch sử của riêng mình mà không cần đến kèn trống tung hô thành tích như những ngôi trường khác. Một nơi đầy nét độc đáo như vậy đã quyến rũ tôi hệt như bài ca của mỹ nhân ngư dụ dỗ ngư dân giữa biển đêm sâu thẳm…
Ngôi trường đã tồn tại từ tận thời 1920 và thật sự cần rất nhiều công tác trùng tu. Đến năm 2001, một trận động đất 6.6 độ Richter làm rung chuyển thành phố kết nghĩa Seattle tại Hoa Kỳ. Tuy cách tâm chấn tận 230 km nhưng các ngôi nhà của chúng tôi vẫn rung lắc hệt như thủy thủ đang chuếch choáng trong cơn say.
Như các bạn có thể tưởng tượng, cơn chấn động đó làm hạ tầng cơ sở ngôi trường vốn đã ọp ẹp càng thêm tệ hại hơn, để lại vết tích là một đường rãnh nứt khoảng 5cm dưới tầng hầm. Chuyện này tôi chỉ biết được khi anh lao công phụ trách dọn dẹp tầng lầu tôi làm việc, Manny, nói riêng cho sau khi dư chấn kết thúc:
- Chúng ta gặp hên vì trường được xây dựng chủ yếu bằng gỗ. Vật liệu ấy đã hấp thụ mọi thứ. Nhưng phần nền xi măng dưới hầm thì không may bị lãnh đủ hết.
Hình như vì vậy mà đường ống nước ngầm cũng bị hư tổn, gây ảnh hưởng đến tầng bên dưới. Manny là một trong số thành viên của nhóm được phân công dọn dẹp.
Hôm chúng tôi nói về chuyện đó là thứ năm.
Chiều thứ Sáu hôm sau, tôi vẫn còn ngồi lì tại bàn chấm điểm kiểm tra suốt gần cả tiếng đồng hồ. Cuối tuần sau đã là ngày họp phụ huynh nhưng công tác lập bảng điểm cho học sinh vẫn trễ xa so với dự kiến ( chuyện thường ngày ở huyện ). Chợt ngoài hành lang vang vọng tiếng quét chổi quen thuộc, đúng giờ của Manny. Tôi thò đầu ra cửa, hỏi thăm anh ta quá trình khắc phục sự cố đến đâu rồi. Một chút sơ lược về Manny, anh là người Philipines khoảng 40 tuổi, thân hình bè bè chắc nịch, giọng nói vẫn còn nặng ảnh hưởng tiếng mẹ đẻ nên đa phần khi nói chuyện, tôi không thể nắm bắt được những chi tiết mà anh kể. Hơn nữa cách anh thuật lại rất thích thú nên làm tôi cũng ngại ngần không muốn ngắt lời. Có lẽ thú vui khi được chia sẻ câu chuyện mới là điều quan trọng hơn, tôi nghĩ vậy.
Manny bắt đầu miêu tả thiệt hại mà anh chứng kiến tại tầng hầm – cùng mùi hương dưới đó. “ Giống như mùi của cái gì đó đã chết ,rồi lăn trong đống phân, xong chết thêm lần nữa.” nguyên văn anh ta nói. Tại vài vị trí thứ nước màu nâu lạ đọng lại họ nên suy đoán rằng có thể mùi khó ngửi bắt nguồn do đấy. Họ tiến hành bơm nước ra , và phát hiện một khe nứt gãy chạy dài gần hết buồng đốt. Một số vị trí của khe rộng cỡ 2,5cm, khá sâu. Chuyện Manny tiết lộ tiếp theo đây là lý do tại sao tôi chú trọng nhắc đến các chi tiết trên.
Bọn họ tìm thấy một chiếc hộp sắt nằm dưới khe nứt. Có vẻ ai đó đã lấp kín lại trong quá trình đổ bê tông xây trường, và cơn dư chấn phá vỡ nền làm nó lộ diện. Khi họ mở ra, nằm trong hộp sắt có hai thứ:
Một quyển kinh thánh và một lọn tóc đen dài, được cột bởi sợi ruy băng đỏ…..
Tôi hỏi lại Manny có tận mắt thấy hai vật đó không. Anh ta không chứng kiến, nhưng người bạn của anh thuộc nhóm dọn dẹp buồng đốt là người đã tìm thấy chiếc hộp đó và kể lại cho nghe. Khi bọn họ làm sạch quyển kinh thánh thì mới phát hiện ra lọn tóc nằm kẹp lại giữa các trang giấy, như thể ai đó dùng để tóc đánh dấu trang vậy. Khi đó tôi vẫn nhớ mình có cảm giác lạnh rờn rợn sống lưng , lại vừa tức cười bởi công nhận chuyện Manny kể nghe kì dị vô cùng. Anh ấy cũng cười vui vui, nhưng chỉ một lúc sau đó thì làm dấu thánh giá trước ngực, âm thầm quay lại làm việc….
Thứ 3 tuần sau, trên đường đến văn phòng thì tôi thấy các công nhân đã rào dây chắn lối đi xuống hầm vào buồng đốt để bắt đầu tu sửa. Mọi chuyện vẫn diễn ra như thường lệ, sau khi tan trường thì tôi vẫn ngồi cắm đầu vào mớ giấy tờ, còn anh Manny, chính xác như một chiếc đồng hồ, lại xuất hiện cùng tiếng chổi quét quen thuộc vang dọc hành lang.
Tôi ngước nhìn ra ngoài tính chào hỏi và sẵn tiện hỏi thăm như mọi hôm. Vậy mà ngày đó, lần đầu tiên trong suốt thời gian cả hai biết nhau, Manny không còn tươi cười vui vẻ đáp lời. Tôi không còn nhớ rõ cuộc nói chuyện nhưng chắc chắc rằng, anh ta cứ lảng tránh mọi câu hỏi. Điều này không hề giống tính cách của Manny chút nào, hay nói đúng hơn, gần như là một sự đối lập hoàn toàn với con người thân thiện mà tôi từng biết.
Đến khi tôi đề cập đến quyển kinh thánh mà cả nhóm tìm thấy, anh ta lập tức quắc mắt nhìn một cách nghiêm nghị và nói:
“ Đừng nhắc lại chuyện đó. Lẽ ra tôi không nên kể ra bất cứ điều gì hết.”
Tôi cam đoan với Manny là mình đã và sẽ không hề tiết lộ cho ai khác biết, nhưng không rõ là anh ta có hiểu và tin lời tôi nói lúc đó không…
Hóa ra không chỉ mình Manny là nhân viên duy nhất biết về phát hiện quái đản dưới căn hầm . Tin tức cứ lan truyền từng ngõ ngách ngôi trường nhanh như hiệu ứng domino, thậm chí đến cả phòng giáo viên lúc đầu giờ chiều. Tôi không muốn đào sâu thêm về nội dung ở đây bởi lẽ lời bàn tán cùng hoàn cảnh gia đình đó khá có tiếng trong cộng đồng dân cư. Ngắn gọn mà nói, đó là về trường hợp một nữ sinh đột mất tích giữa trận thi đấu bóng chuyền do trường tổ chức. Chuyện xảy ra trước thời điểm tôi được vào giảng dạy khá lâu, nhưng thông tin sự việc đã được các phương tiện truyền thông đưa tin như một trường hợp mất tích thông thường, báo chí thành phố cũng đăng đầy hình ảnh tìm kiếm cô bé. Vài tháng sau vụ biến mất bí ẩn đó, cảnh sát đã bắt giữ một trong số các kỹ sư làm việc tại trường vì vài cáo buộc liên quan đến hành vi không đứng đắn với trẻ vị thành niên. Tôi không rõ số phận anh ta ra sao sau khi bị tòa bác đơn kháng cáo và ném vào nhà đá.
Nhưng riêng bản thân tôi thì lại cảm thấy ghê tởm lời đồn này vì một lẽ: em gái của cô nữ sinh mất tích hiện đang theo học tại trường. Tuy chưa có dịp gặp mặt trực tiếp nhưng thông tin họ công bố từ đầu học kỳ là cô bé sẽ nhập học năm nhất . Cố vấn học vụ đã cảnh báo trước cho giáo viên về những nguy cơ có thể gây ra bàn tán không tốt từ học sinh trong lớp về lịch sử nhà trường, nhất là trong tuần lễ Định hướng. Cán bộ nhân viên ai cũng xem ngôi trường như một đại gia đình, và chúng tôi sẽ làm tất cả để bảo vệ đứa trẻ đáng thương ấy . Giờ để mọi người có thể dễ dàng theo dõi mà vẫn tôn trọng sự riêng tư của gia đình họ, tôi sẽ gọi cô bé bằng cái tên Amy Waller...
Thứ tư hôm sau, công việc giấy tờ lại khiến tôi dính cứng tại bàn trễ hơn thường lệ. Tuy rằng chỉ mới có 5 giờ chiều nhưng vì thời tiết đã vào tháng Hai, ngoài trời đã dần sập tối từ lúc nào không biết. Phòng học nằm trên tầng ba, từ phía cửa sổ nhìn ra phía Đông thì sẽ bắt gặp một cây sồi già cao lớn trong khuôn viên . Hệ thống chiếu sáng tự động của trường bật vào buổi chiều, nên khi ánh đèn hắt ra ngoài làm cây bỗng sáng lên, đã khiến tôi giật mình thoát khỏi trạng thái bần thần chấm điểm bài tập nãy giờ. Lúc này thấy mình đã đói, nên tôi đành thu dọn đồ đạc xuống lầu, đi dọc theo hành lang để về phòng nghỉ giáo viên.
Và đó lần đầu tiên tôi tận mắt gặp Amy Waller. Tôi chỉ vừa xuống tầng trệt, chuẩn bị quẹo vào sảnh. Đó là một khu vực vừa dài vừa hẹp, với cửa sổ được lắp dọc một bên nhìn ra phía Bắc và ở phía bên kia, nghiêng nghiêng người, là hình dáng bơ vơ của một bé gái đang đứng ngay trước lối vào xuống tầng hầm hiện đã bị chặn lại. Mái tóc buông dài thẳng mượt che khuất khuôn mặt, nhưng lúc tôi tiến lại gần , cô bé từ từ quay đầu lại, cho tội dịp được thấy cặp mắt ấy. Cặp mắt giống hệt người chị, cùng khuôn mặt chẳng khác chút nào hình ảnh tôi xem không biết bao nhiêu lần trên bản tin tìm người nhiều năm trước.
Cảnh tượng ấy thật khiến tim tôi chùng xuống. Con bé hẳn còn rất nhỏ khi người chị của mình mất tích, vậy mà giờ lại đứng ngay đây, trên bậc cầu thang dẫn xuống nơi mà mọi người đồn đoán đầy các nghi lễ rùng rợn kèm những hành vi đáng ghê sợ khác.
Tôi không muốn gọi tên bé, sợ rằng làm thế sẽ lộ ra việc nhà trường đã họp với nhau hồi đầu năm. Thay vào đó, tôi chỉ gọi ngắn gọn “ Này em ơi…? “ mong rằng với cách mở lời như thế thì dễ nói chuyện hơn, làm cô bé thoải mái phần nào trước những lời bàn tán.
Nhưng không, cô bé quay lưng về phía tôi rồi bỏ đi xuống sảnh dẫn sang dãy nhà phía Tây.
Buổi sáng hôm sau, tôi báo lại sự kiện đó cho hiệu trưởng. Bà ấy chỉ biết nhắm mắt, lắc đầu thương cảm cho nỗi đau mà Amy phải chịu. “ Nếu tôi là con bé, thì tôi cũng chẳng muốn về nhà nữa làm gì..”.
Chiều đến, tôi phải bổ túc thêm cho hai học sinh lớp 11. Chúng biết rằng mình có nguy cơ sẽ bị đánh rớt nên cố nài nỉ xin được thực hiện bất cứ bài tập nhóm nào còn lại để có thể vượt qua đêm họp phụ huỵnh tiếp theo. Vừa dạy được chừng 1 tiếng, tôi lại tiếng chổi quét quen thuộc hàng ngày vọng vào từ bên ngoài hành lang.Thật bất ngờ vì xuất hiện trước tôi là một gương mặt xa lạ. Không phải Manny. Hóa ra Manny ngay trước ca làm đã gọi điện về văn phòng nói ngắn gọn muốn xin nghỉ ốm một tuần, quá gấp gáp nên họ đã xếp cho người đàn ông này vào làm thế chỗ của anh . Trước khi quay trở lại vào lớp, thì ông ta không hiểu sao lại đề cập với tôi cái phát hiện “ nho nhỏ” vừa rồi của trường…
“ Nghe nói đằng ấy tìm ra chiếc hộp của quỷ dữ phải không nè ”. Lời phát ngôn ấy từ miệng hắn tuôn ra kèm với cái kiểu cách tinh quái vừa đủ để làm tôi khó chịu. Cứ nghĩ đến cảnh Amy lang thang dọc các đại sảnh, lòng trĩu nặng bởi nỗi buồn và mọi lời bàn tán nhằm vào gia đình khiến lòng tôi ngay lập tức sục sôi căm tức.
“ Ông thừa biết đó không phải chuyện để đùa rồi mà? Một ai đó, một đứa bé, có thể đã bị hãm hại ngay trong chính ngôi trường đây.”. Giọng điệu nghiêm túc của tôi làm hắn bất ngờ.
“ Ồ tôi biết chuyện này nghiêm túc chứ. Có đùa cợt gì đâu.”
Hắn ngó nghiêng dọc hành lang để chắc chắn không có ai khác nữa, rồi làm dấu ra hiệu đến gần hơn, sau đó thì thầm giải thích lý do .
Cho đến tận hôm nay từng câu chữ hắn nói vẫn như bỏng rát bên tai tôi:
“ Kẻ gây ra điều đó hẳn không phải tốt lành gì. Người dân dưới phố đã bàn tán nhiều về những chuyện quái đản xảy ra ở mọi nơi hắn làm việc. Tại ngôi trường nọ, một con thỏ tự dưng biến mất khỏi phòng học, và sáng hôm sau người ta tìm thấy nó treo lủng lẳng trên cây, bị lột da lẫn chặt mất đầu. Trường khác thì phát hiện có hỏa hoạn tại khu vườn phía sau tòa nhà. Giống như xác động vật chất đống được đốt trên một cái bàn lớn. Và họ còn thấy những cây nến được đặt thành vòng tròn quanh bàn. Rồi đâu xa ,ngay chính ngôi trường này hồi năm ngoái, tôi nghe nói có ai đó vẽ đủ thứ kỳ quặc lên khắp tường. Chỗ nào gặp chuyện cũng có mặt hắn. Điều hắn làm với cô gái ấy… chắc hẳn thực sự rất kinh khủng .”
Nghe hắn kể liền làm tôi nhớ ra những hình graffiti năm trước. Nghe nói một bọn trẻ lẻn vào trong khuôn viên trường rồi vẽ các biểu tượng tà giáo – sao năm cánh, ký tự số học huyền bí, thành ngữ lạ khó hiểu – khắp các tòa nhà. Sau vụ đó trường mới có quyết định lắp camera an ninh. Nhưng theo tôi hiểu, hắn cứ như đang tính đúc kết lại vài luận cứ nào đó theo cảm tính riêng , và hành động đó khá làm người khác bực mình.
“ Điều gì khiến ông chắc chắn đến thế ?” Tôi hỏi.
“ Chiếc hộp.. cùng món vật nó lưu giữ bên trong. Tôi có ông cậu nọ rất say mê tìm hiểu điều kỳ dị . Cậu ta bảo tôi rằng: Lọn tóc – là biểu trưng cho nỗi đau và sự hy sinh. Còn quyển kinh thánh – thì dùng để nhạo báng thứ nằm bên trong đó ”
Nói xong, hắn nghiêng người lại sát hơn .
“ Tôi dám cược với thầy là dưới hầm có cái gì đó khác nữa.”
Chỉ lời thì thầm đó cũng quá đủ làm hai bàn tay tôi ướt đẫm mồ hôi. Có gì đó không ổn trong ánh mắt của tên này, từ cách hắn nói chuyện cho đến cách hắn nhìn.
Bỗng tôi nghe một tiếng thét, phát ra từ chính phòng học!
Tôi tức tốc quay lại lớp. Chính giữa phòng, hai cậu học sinh đang nằm túm tụm lại nhau, mắt không chớp chằm chằm nhìn ra cửa sổ. Cả hai đứa không còn nhỏ nhít gì, gần 17 đến nơi, thậm chí còn khá lực lưỡng, vậy mà không hiểu lại gần như sắp khóc đến nơi thế này ?
Mất khá lâu mấy em mới tạm bình tĩnh , nhưng chuyện mà chúng kể lại với tôi lại là thứ khó hiểu nhất trong cả tuần làm việc đầy chuyện kỳ lạ này : Cả hai bảo đã thấy một người ở ngoài cửa sổ nhìn chằm chằm vào phòng. Chúng tôi đang trên tầng 3 nên theo lý thuyết điều đó bất khả thi, tuy vậy vẫn không giải thích tại sao hai cậu học sinh khỏe mạnh 16 tuổi lại có thể trở nên hoảng sợ cùng cực, lắp bắp không thành lời. Theo mô tả thì cô gái đó khá ốm, da trắng nhợt, mái tóc đen dài cùng đôi mắt đen láy như xuyên thấu tam can . Dĩ nhiên là chúng còn nói đến ai khác nữa giờ ngoài chị gái của Amy ! khi mà câu chuyện của cô gái đó đã lan truyền gần khắp trong toàn trường.
Quá rõ ràng là mọi lời đồn đoán vô căn cứ quanh gia đình Amy đã khiến đầu óc học sinh mụ mẫm, ảnh hưởng đến suy nghĩ lẫn giác quan. Thậm chí tôi nghi ngờ cả hai đã hút thuốc trước khi đến lớp. Giờ thì kết hợp hai yếu tố đó với nhau, thế là bạn có “ câu chuyện về cô gái lơ lửng” .
Sáng hôm sau là một cơn ác mộng khi ai cũng hỏi về vụ việc kinh dị trong chiều hôm qua. Học sinh thì truyền tai nhau , nhưng quả là “ Tam sao thất bản”, dần dần câu chuyện bị biến tướng một cách dị hợm. Đến chiều thì thực sự không còn gì để nói. Lớp Anh văn khối 9 bị ảnh hưởng tệ nhất khi đưa ra các câu hỏi :
“ Có phải là cô ta treo cổ bằng tóc của mình trên cái cây của thầy phải không ạ ? “
“ Có phải đôi mắt cô ta mở to rắng xóa, miệng thì cười toe toét không ạ ?”
“ Cô ta vừa cười vừa cầm quyển kinh thánh, trong lúc đang lủng lẳng treo cổ đúng không thầy ? “
Chúng vừa vui thích tận hưởng bàn tán về sự việc, đồng thời cũng hoảng sợ bởi các chi tiết bị biến tướng quái đản trong đó. Và cứ mỗi lần nghe xong, tôi lại phải đến bên từng nhóm một, giải thích rằng chúng ta đang nói đến người thật việc thật, những người phải chịu nỗi đau đớn mất mát vậy mà các em nỡ biến thành trò giải trí mua vui. Dĩ nhiên chúng sẽ gật đầu ra vẻ đồng ý, suy nghĩ… nhưng chỉ được vài phút sau thì tiếp tục nhao nhao đặt thêm giả thuyết mới.
Đêm họp phụ huynh toàn trường đã đến….
Bước vào phòng thể dục nơi diễn ra tổ chức buổi gặp gỡ, tôi liếc nhìn hết thảy và tìm ra được chiếc bàn có tên mình trên đó. Giáo viên được xếp ngồi theo họ theo, dựa trên thứ tự trong bảng chữ cái thành ra vô tình khiến tôi bị kẹp giữa một giáo viên nghệ thuật và một thầy dạy thể chất. Do môn tôi dạy chủ yếu là Anh văn nên lịch gặp cứ kín như nêm, phụ huynh đến không ngớt. Trong khoảng thời gian 1 tiếng rưỡi mà tôi phải liên tục thực hiện các buổi trao đổi ngắn 10 phút, từ động viên ông bố của một đứa con có nguy cơ bị đội sổ, khuyên nhủ bà mẹ nên cứng rắn với con gái mình hạn chế sử dụng mạng xã hội, cho đến khích lệ cái tôi tự hào của quý vị phụ huynh có con đạt được điểm A… cứ thế nhiều nữa. Dường như vô tận chưa thấy lúc nào ngưng .
May mắn thay lúc gần như đuối sức thì một tình nguyện viên đi đến, ra hiệu phụ huynh đến họp trước với mình, rồi thì thầm với tôi: “ Coi như thầy tạm nghỉ lượt này nhé.” Nghe câu nói mà thật sung sướng cả người !. Thế là tôi dựa ra sau, tranh thủ vươn vai một chút….
“ Thưa thầy, chúng tôi muốn nói chuyện về con mình, bé tên Amy….”
Cái tên ấy làm tôi giật mình, cảm giác thư giãn vừa nãy biến ngay đi mất. Đứng trước bàn là ông bà Waller ( họ có đeo thẻ tên ). Điều đầu tiên tôi nhận thấy họ đó là xem cả hai đều là những người lương thiện, điều mà cho đến tận hôm nay sau hết thảy mọi thứ mà tôi có thể phải nhận ra, đó lại là điểm nổi bật nhất. Có thể cảm nhận đó bắt nguồn từ sự đồng cảm mà thâm tâm tôi cho đã dành cho họ từ lâu. Bất chấp thế, tôi vẫn phải thông báo lại rõ cho họ một chuyện.
“ Xin lỗi ông bà Waller, nhưng tôi không dạy lớp của Amy.”
Họ nhìn lại tờ lịch trình gặp mặt đang cầm, sự bối rối hiện rõ trên khuôn mặt cả hai.
Rồi bà Waller gọi ai đó đang ở phía sau:
“ Amy, phải đây là thầy dạy cho con không ? “
Tôi quay lại nhìn đứa con gái, và hình ảnh trước mắt mình làm tôi lập tức choáng váng. Lưng tôi trong vô thức ép sát vào thành ghế, kìm nén nỗi sợ hãi bên trong đang tìm cách khiến tôi phải bật dậy mà chạy đi. Thậm chí tôi còn cảm nhận được từng hơi thử nặng nhọc của mình thoát ra từ hai bên mũi, trong khi cố gắng phải nở một nụ cười trên khuôn mặt đang cứng đờ ra.
Đứa bé gái đứng trước mặt tôi, Amy, không phải người mà chiều hôm đó tôi gặp trong hành lang. Amy này hoàn toàn không có gì điểm gì giống với cô chị gái, cao hơn, đôi mắt cũng nhỏ hơn. Mái tóc vẫn đen tuyền nhưng không thẳng, mà gợn sóng.
“Dạ không ” cô bé nói, trước nhìn quanh phòng tìm giáo viên của mình. “ Cô của con ngồi bên kia ạ”
Hai ông bà ấy nghe thế bối rối, xin lỗi tôi rồi dẫn con đi sang chỗ giáo viên ấy.
Nhận xét
Đăng nhận xét